Khả năng sửa đổi bổ sung hợp đồng mua bán điện gió
Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, hợp đồng mua bán điện của một dự án điện gió cụ thể (“HĐMBĐ”) phải tuân thủ nội dung cơ bản của Hợp đồng mua bán điện mẫu được ban hành theo Thông tư 02/2019/TT-BCT (“HĐMBĐ Mẫu”). Khi áp dụng HĐMBĐ Mẫu, nhà đầu tư dự án (với tư cách là Bên Bán Điện) và Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (“EVN”) (với tư cách là Bên Mua Điện) chỉ được quyền bổ sung, không được sửa đổi, các điều khoản mới để làm rõ các quyền và nghĩa vụ của các bên nhưng không được làm thay đổi nội dung cơ bản của HĐMBĐ Mẫu. Vì pháp luật hiện hành không chỉ rõ những nội dung nào được xem là nội dung cơ bản của HĐMBĐ Mẫu, nên định nghĩa hoặc phạm vi của “nội dung cơ bản” còn mơ hồ và tùy thuộc vào thỏa thuận các bên trong từng dự án cụ thể. Trên thực tế, việc thay đổi các điều khoản trong HĐMBĐ Mẫu khó có thể thực hiện được. Do đó nhà đầu tư cần lưu ý điểm này để về sau chỉ cần bổ sung các điều khoản mới nhằm làm rõ HĐMBĐ Mẫu thay vì cố gắng thay đổi nội dung của HĐMBĐ Mẫu.
Khả năng bổ sung HĐMBĐ bị giới hạn có thể tước đi cơ hội giúp các bên linh hoạt trong đàm phán sửa đổi hợp đồng, nhất là khi một trong các bên gặp hoàn cảnh thay đổi cơ bản (hardship) và do đó cần thay đổi các cam kết trong hợp đồng. Tuy nhiên, cách tiếp cận phù hợp cho nhà đầu tư là nên cân đối giữa nhược điểm này với lợi ích tổng thể mà dự án mang lại cho nhà đầu tư.
Các trường hợp mà Bên Mua Điện không có nghĩa vụ nhận điện và thanh toán cho Bên Bán Điện
Theo HĐMBĐ Mẫu, Bên Mua Điện không có nghĩa vụ nhận giao điện và thanh toán cho Bên Bán Điện nếu xảy ra một trong các tình huống sau đây:
Bên Bán Điện cần tuân thủ các quy định về vận hành hệ thống điện quốc gia và tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật của ngành điện để hạn chế rủi ro không được Bên Mua Điện nhận điện và thanh toán như đã đề cập trong tình huống (1) nói trên. Đối với các trường hợp còn lại ngoài trường hợp (1) sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát của Bên Bán Điện.
Cơ chế giải quyết tranh chấp có thể áp dụng cho HĐMBĐ
HĐMBĐ Mẫu cho phép hai hình thức giải quyết tranh chấp, thông qua thương lượng và giải quyết tranh chấp bởi cơ quan có thẩm quyền.
Các bên phải thương lượng trước để giải quyết khi có tranh chấp, nếu không thể thương lượng, thì các bên “có quyền” yêu cầu Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (trực thuộc Bộ Công Thương) hỗ trợ giải quyết tranh chấp. Sau đó, nếu vẫn không thể giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, các bên có thể đưa tranh chấp ra giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định pháp luật. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp có thể là: (i) Cục Điều tiết Điện lực (trực thuộc Bộ Công Thương), (ii) Tòa án hoặc (iii) Trọng tài.
Trong số các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp nói trên, trọng tài thường được xem là phương án ít rủi ro nhất cho Bên Bán Điện. Để tranh chấp phát sinh từ HĐMBĐ được giải quyết bằng Trọng tài thì trong HĐMBĐ đó cần phải có điều khoản thỏa thuận trọng tài hợp lệ. Nếu các bên không thể thống nhất được việc bổ sung điều khoản thỏa thuận trọng tài vào HĐMBĐ, thì trong tương lai sẽ rất khó để đưa tranh chấp ra giải quyết bằng trọng tài. Trong tình huống này, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó có khả năng cao sẽ thuộc về Cục Điều tiết Điện lực trực thuộc Bộ Công Thương.